THẾ GIỚI XÂY DỰNG

Where you are always welcomed

Archive for the ‘PHONG THỦY’ Category

Ý nghĩa của các đồng tiền xu cổ trong phong thủy

Posted by thangmay.info on April 18, 2011

Theo phong thủy, tiền xu là một trong những vật phẩm quan trọng.

Ngày xưa, người ta dùng tiền xu đục lỗ hình tròn tượng trưng cho trời, giữa là lỗ hình vuông tượng trưng cho đất. Trời ngoài đất trong tượng trưng cho quẻ Thái tức sự thịnh vượng. Tùy theo niên hiệu các đời vua mà trên tiền xu có khắc chữ khác nhau. Tiền xu cổ luôn là một pháp khí sử dụng rất nhiều trong Phong Thủy. Những đồng tiền xu là biểu tượng của nguồn tài lộc và của cải. Cát khí của nó không những làm gia tăng tài lộc mà con đem lại nhiều may mắn về công danh, sự nghiệp và giải trừ tai họa, tiểu nhân… Vì thế phép trấn yểm không thể thiếu tiền xu Phong Thủy.

Người xưa cho rằng tiền xu dùng trong yểm Phong Thuỷ nếu là tiền cổ thì tốt nhất, vì tiền cổ được chế tạo đã nhiều năm nên hấp thu được “thiên khí”. Đồng thời do phần lớn các đồng tiền cổ được chôn vùi dưới đất nên đã hấp thu được “địa khí”. Ngoài ra, nó đã được qua tay nhiều người sử dụng nên đã hấp thu được “nhân khí” rất nhiều. Ba khí Thiên Địa Nhân đều có đủ, nên các đồng tiền cổ có thể tăng việc hoá sát rất mạnh.

Tiền xu Mai Hoa 5 cánh liền (Mai Hoa Kim Tiền)

Ý nghĩa của các đồng tiền xu cổ trong phong thủy

Read the rest of this entry »

Posted in PHONG THỦY | Tagged: , | Leave a Comment »

Một số điều kiêng kỵ khi thiết kế mái nhà

Posted by thangmay.info on September 3, 2008

Ngày nay, những điều kiêng kỵ liên quan đến việc làm mái nhà được lưu truyền trong dân gian vẫn được nhiều nhà thiết kế quan tâm và vận dụng.

Về hình dáng

Ở nông thôn nước ta, phần lớn mái nhà thường được chọn là mái nhà hình tam giác, bởi theo độ dốc của mái nhà sẽ khiến nước mưa chảy xuống một cách dễ dàng, tránh tình trạng nước mưa bị ứ đọng lại trên mái nhà, xét về tính thực tiễn lẫn trong quan niệm phong thủy đều tốt.

Tuy nhiên mái nhà hình tam giác của bạn sẽ ảnh hưởng đến những nhà kề bên nếu bạn không chú ý đến phong thuỷ. Do đó, tốt nhất khi xây nhà tránh để đỉnh tam giác nhà mình chĩa thẳng vào cửa nhà người khác.

Bởi vì nếu người hàng xóm biết phong thủy, họ sẽ dùng gương bát quái phản chiếu lại mái nhà của bạn, và chính gia đình bạn hứng chịu nguồn năng lượng xấu đó. Mặt khác, những điều tế nhị như thế này sẽ ảnh hưởng không tốt tới tình cảm láng giềng.

Xét về văn hóa ứng xử, điều này đem lại sự cẩn trọng khi làm nhà lợp mái, giữ gìn cho người cũng là cầu an lành cho mình. Còn về thực tế xây dựng thì hiện nay nhiều biệt thự lợp mái ngói đã dùng thép tấm làm thành nẹp bịt kín đầu các xà gồ như là một giải pháp an toàn không đụng chạm đến xung quanh.

Về màu sắc

Từ suy nghĩ nước trên đỉnh núi có thể vỡ bờ và tràn xuống gây mất mát, đói kém và chết chóc. Vì vậy, một trong những điều kiêng kỵ nhất trong phong thủy là xây dựng mái nhà theo biểu tượng “nước trên đỉnh núi”.

Chính theo quan niệm trên nên khi chọn ngói, nhiều người tránh chọn màu ngói xanh, vì màu xanh tượng trưng cho nước và nước trên mái nhà dược xem là biểu tượng cực kỳ xấu về mặt phong thủy. Màu ngói thường được chọn lựa nhiều nhất là màu đỏ hoặc màu nâu sẫm.

DiaOcOnline.vn

Posted in PHONG THỦY | Tagged: , , | Leave a Comment »

Nhà vườn – nhu cầu mới của người Việt

Posted by thangmay.info on May 1, 2008

Khi đời sống khá giả, nhiều gia đình Việt Nam sống ở các thành phố lớn bắt đầu nghĩ đến các khu nhà vườn để nghỉ ngơi cuối tuần. Đây thường là những ngôi nhà cách thành phố lớn chừng 40-60 km, với cây xanh, hồ bơi và không khí mát mẻ.

Nhà vườn thường có diện tích đất rộng hơn rất nhiều so với nhà phố, từ vài trăm m2 đến vài nghìn thậm chí vài chục nghìn m2. Mỗi khu nhà vườn có những đặc tính rất khác nhau về địa lý như hướng đất, hình dáng, kích thước, thế đất… Ngoài ra, người Việt còn có quan niệm duy tâm về tuổi tác nên khi thiết kế phải biết kết hợp hài hòa tất cả các yếu tố trên để âm dương đều tốt. Để có được điều này, gia chủ nên liên hệ với kiến trúc sư và các thày địa lý (phong thủy) bởi phong thủy là việc nghiên cứu vận dụng những yếu tố tự nhiên để con người tận hưởng được khí trời đất, khi con người hài hòa với tự nhiên sẽ luôn có cảm giác thoải mái, thư thái. 

Nhà vườn là nơi nghỉ ngơi và thư giãn.

Việc bố trí không gian hợp lý trong khu vườn đóng vai trò then chốt quyết định đến kiến trúc và sinh hoạt của khu vườn. Mỗi khu vườn có một hình dáng khác nhau, thế đất khác nhau, tài nguyên trên đất cũng khác nhau (cây xanh, nguồn nước…). Để lựa chọn vị trí đặt nhà và bố cục khu vườn hợp lý cần có những hiểu biết nhất định về phong thủy và kiến trúc cảnh quan để bố trí cho hài hòa. 

Lưng nhà dựa vào thế đất cao tạo cảm giác yên tâm, mặt nhà quay về thế đất thấp tạo cảm giác khoáng đạt, phóng tầm mắt tận hưởng cảnh đẹp thiên nhiên và cảnh đẹp toàn khu đất.

Với những khu đất có thế đất dốc, để có tầm nhìn thoáng, ta nên đặt vị trí nhà ở trên thế đất cao nhìn xuống phía dưới để bao quát khu đất. Lưng nhà dựa vào thế đất cao tạo cho người ở trong nhà có cảm giác yên tâm, mặt nhà quay về thế đất thấp tạo ra cảm giác khoáng đạt, phóng tầm mắt tận hưởng cảnh đẹp thiên nhiên và cảnh đẹp toàn khu đất. Giống như ta ngồi chiếc ghế tựa, nếu ngồi ngược lại với hướng ngồi truyền thống sẽ tạo cảm giác chênh vênh, nguy hiểm. Khi đặt nhà không nên đặt nhà ở chính giữa khu đất, nên đặt lùi về phía sau để không gian trước nhà tiện bố cục sân vườn thoáng với thảm cỏ, cây tán cao, cây thân gầy. Phía sau trồng các cây ăn quả hoặc cây lá thấp, cây rau… 

Không nên để cổng vào khu đất đâm thẳng vào nhà hoặc vào từ phía sau nhà, gây cảm giác nguy hiểm, không yên tâm trong sử dụng.

Ngoài ra còn các yếu tố khác ảnh hưởng như hướng khu đất, hướng cổng vào và vị trí hồ (ao) của nhà để đặt nhà. Theo phong thủy thì không nên để nước ở sau nhà, nên quay hướng nhà ra phía có nước vừa có cảm giác mát mẻ vừa thoáng tầm nhìn. Không nên để cổng vào khu đất đâm thẳng vào nhà hoặc vào từ phía sau nhà, gây cảm giác nguy hiểm, không yên tâm trong sử dụng.

Nếu hướng đất quay về hướng không thuận lợi (chính bắc, chính tây) hoặc hướng cổng ngược với hướng nhà thì ta phải tìm cách xoay chuyển hướng để phù hợp trong từng hoàn cảnh, nếu trường hợp bất khả kháng thì cần sự can thiệp của giải pháp kiến trúc để khắc phục.

Khi mọi điều kiện về phong thủy đều bất lợi hoặc tranh chấp nhau không thể tạo được sự hài hòa trong bố cục không gian vườn, giải pháp bố trí nội thất theo phong thủy là biện pháp duy nhất để vẫn có một không gian sống tiện nghi trong tổng thể khu vườn.

Điều mà chúng tôi khuyên bạn khi thiết kế một khu vườn là không nên can thiệp sâu vào địa hình tự nhiên sẵn có, vừa mất vẻ đẹp tự nhiên vừa gây ra những nguy hiểm sau này (sạt lở, sói mòn, lún…)

Theo Tin tức nhà đất

Posted in PHONG THỦY | Tagged: | Leave a Comment »

Thiết kế phòng khách theo những nguyên tắc phong thủy

Posted by thangmay.info on April 28, 2008

Nếu phòng khách nhà bạn có lò sưởi (thật hay chỉ để trang trí), hãy cố gắng biến nó thành điểm nhấn quan trọng nhất, thay cho những chiếc tivi lớn hay dàn hi-fi đồ sộ. Các chuyên gia phong thủy cho rằng căn phòng sẽ trở nên lạnh lẽo và thiếu sức sống nếu để những đồ đạc hiện đại lấn át.

Lò sưởi nên là điểm nhấn của ngôi nhà

Phòng khách chỉ nên hình vuông và chữ nhật, để khí không có chỗ ứ đọng. Trừ trường hợp phòng khách nhà bạn quá nhỏ, còn nếu không đừng bao giờ kê đồ đạc sát tường. Nếu căn phòng không được vuông vắn, hãy đặt một chậu cây ở góc thừa để khí không bị dồn nén vào một chỗ. Đừng bao giờ kê ghế theo hướng quay lưng lại phía cửa ra vào bởi khi đó bạn sẽ có tâm trạng bất an.

Bố trí giá sách, chậu cây hoặc một số đồ đạc “lấp chỗ trống” vào những khu vực ít quan trọng trong căn phòng. Luôn phải đảm bảo khoảng giữa phòng khách cũng như bàn ăn lúc nào cũng sạch sẽ bởi vì đó là những chỗ mang tính quyết định đến sức khỏe và sự năng động của bạn. Hoa và cây cảnh sẽ làm tròn đi những “mũi tên ngầm” (góc bàn, góc ghế) trong phòng. Dùng hoa khô có thể mang tới điềm gở và nhớ bỏ hoa tươi đi trước khi chúng úa tàn.

Đừng bao giờ kê bàn ghế dưới xà hoặc rầm nhà, người ngồi sẽ luôn cảm giác như có cái gì đó đè nặng lên mình. Các đồ đạc nhiều góc cạnh hoặc cồng kềnh phải hết sức phù hợp với diện tích căn phòng. Những đồ đạc mềm (sofa, gối, đệm ngồi…) giúp cân bằng âm dương.

Treo một tấm gương (bát giác là tốt nhất) phía trên lò sưởi, nó sẽ giúp bạn có cảm giác căn phòng rộng ra. Gương thật sự hữu dụng khi bạn muốn mở rộng không gian (ảo) và làm căn phòng thêm sáng sủa. Bể cá cảnh cũng là vật hữu ích giúp bạn them nhiều may mắn, tiền bạc và thuận hoà.

(Theo Tư Vấn Tiêu Dùng)

Posted in PHONG THỦY | Tagged: , , | Leave a Comment »

Hài hòa ngoại cảnh theo ngũ hành

Posted by thangmay.info on April 25, 2008

Không gian sống là bên trong nhà, nhưng cũng rất cần xử lý ngoại thất sao cho hạn chế được các nguy cơ tiềm ẩn bất an. Từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, ngôi nhà cần phải quan tâm và có các biện pháp chế hóa đúng mực.

Theo quan niệm xưa, nơi có thủy (nước) sẽ đem lại thế đất – nhà tốt. Nhưng thủy cũng trở nên hung họa nếu không giải quyết được các vấn đề về nước đọng, ngập lụt hay nước chảy thẳng vào trước cửa. Vì vậy, trước khi mua đất cất nhà cần phải tìm hiểu rất kỹ về hệ thống nước khu vực xung quanh trên diện rộng để tránh tình trạng ở trong khu bị triều cường, thường xuyên ngập úng, môi trường sống luôn ẩm ướt lầy lội, ruồi muỗi sinh bệnh.

Nên tránh các khu nhà gần trụ điện, trạm biến áp. Ảnh: Nhà Đẹp

Tại các khu quy hoạch mới, vị trí nắp cống, hố ga luôn nằm giữa hai nhà, tránh được tình trạng “nhà kề miệng cống” như các khu dân cư cũ. Tương tự là các trụ điện, trạm biến thế… là các nguồn gây cháy chập, hỏa hoạn và từ trường rất cao. Các khu nhà ở được ngầm hóa hệ thống điện hoặc giảm thiểu trụ và dây điện thì luôn tốt hơn. Ngay cả khi trụ điện nằm ở khoảng giữa hai nhà, thì vẫn nên thiết kế mặt ngoài phía gần trụ điện theo lối đặc và hạn chế mở cửa hay đưa ban công ra ở những phía đó. Đặc biệt là tại các tuyến điện cao thế, cần tránh xa hoặc làm nhà trong giới hạn an toàn vì đây là các vùng có ác xạ lớn.

Nguy cơ cháy nổ còn dễ xảy ra ở các ngõ hẹp hoặc ngõ cụt mà nhà mình nằm ở cuối ngõ, ở bên ngoài có các xưởng, kho hoặc nhà lụp xụp dễ cháy (có quy luật ống lan truyền) mà nhà lại nằm về cuối hướng gió chủ đạo, khi có hỏa hoạn phía đầu gió rất dễ bị vạ lây. Gặp thế nhà như vậy thì nên làm tách biệt với nhà lân cận, dùng tường dày ngăn phía trước, chuẩn bị tốt hệ thống chữa cháy và tạo lối thoát hiểm thuận tiện.

Môi trường ngoại thất luôn gắn bó với nội thất, cần nắm vững quy luật cân bằng tương đối – cân bằng của âm dương để xử lý. Nếu ngoại có tính dương thịnh thì nội cần thêm tính sôi động, tươi vui. Ngoại có tính hỏa (chóp nhọn, nắng chói, màu đỏ, các nguy cơ cháy nổ cao) thì phải tăng hành thủy cho phần ngoại vi nhà mình như thêm hồ nước, dùng kính chắn nắng để giảm hỏa. Nếu ngoại thịnh mộc (có rừng hay có vườn cây, cũng là hành sinh ra hỏa) thì xung quanh nhà nên mé nhánh quang đãng, có khoảng cách ly để tránh bị lan truyền hỏa. Nếu xung quanh là vùng sông hồ (thịnh thủy) thì khí hậu mát mẻ, nhưng cũng cần bố trí các tường ngăn, đê bao đất đá để phòng lụt lội và giảm ẩm thấp. Nói chung, các hành thủy, mộc và thổ hợp với môi trường nhà ở, các hành kim và hỏa mang tính bổ sung năng lượng và tiện nghi, tùy theo tính chất sử dụng nhà và mệnh cục ngũ hành của chủ nhân và gia giảm cho tương thích với ngoại thất.

Cảnh quan thường có giá trị hơn cả bản thân căn nhà. Ảnh: Nhà Đẹp

Các xử lý cơ bản cho ngoại thất hợp phong thủy, giảm xung sát có thể đúc kết như sau:

Tạo sự ngăn cách nhưng vẫn chuyển tiếp được giữa trong và ngoài nhà, thông qua các mái hiên, hành lang, hoa tường, lam chắn… để vừa giảm xung sát ngoại vi, vừa không ngăn chặn sinh khí.

Hình dáng bên ngoài của ngôi nhà là biểu hiện nội khí bên trong, chớ làm nhà theo kiểu “đồ giả”, trang trí thừa và không tương ứng với chức năng nội tại. Hình nào ắt khí ấy, tạo hình cũng chính là tạo khí.

Cân bằng âm dương và ngũ hành trên quan điểm tổng hợp, tránh thiên lệch nhưng cũng tránh bình quân, mỗi thứ một chút thì sẽ dễ gây tranh chấp, đối chọi và lộn xộn cho ngoại thất.

Sử dụng vật liệu trang trí bên ngoài đơn giản, hiệu quả và giảm công bảo trì, tránh dùng các vật liệu tạm bợ hoặc không hợp với khí hậu và tính chát của khu vực, chẳng hạn như nhà ở vùng biển tránh dùng kim loại nhiều dễ gỉ sét, nhà hướng tây nên hạn chế gỗ vì rất mau bị vênh, nứt và bạc màu…

(Theo Nhà Đẹp)

Posted in PHONG THỦY | Leave a Comment »

Trung cung của căn hộ

Posted by thangmay.info on April 20, 2008

 

Trung cung là khái niệm phong thủy để chỉ một khu vực trung tâm nằm trong không gian sống cơ bản của ngôi nhà (hoặc rộng hơn là miếng đất, vùng đất). Xác định trung cung nhằm tạo tiền đề tiếp tục phân chia các khu chức năng theo phương vị trước – sau – trái – phải, theo các hướng (hình 1 – Trung cung một căn hộ rơi vào vị trí hành lang).

Mặt bằng các căn hộ chung cư thường giống nhau giữa các tầng trên – dưới ở các khu vệ sinh, bếp. Tuy nhiên, có một số vị trí căn hộ trên – dưới không trùng nhau (khi có sự thay đổi diện tích căn hộ). Do đó, gia chủ cần quan sát, bố trí sao cho phần trung cung và các khu vực khác trong căn hộ của mình ít chịu ảnh hưởng của căn hộ bên trên và cũng không gây ảnh hưởng xuống căn hộ lầu dưới.

Phần trung cung của căn hộ thường rơi vào vị trí đi lại, nhằm kết nối các phòng chung quanh. Do đó, bạn tránh ngăn chia hay bố trí sinh hoạt (ăn, ngủ) tại vị trí này. Khi phân chia chức năng, cách bố trí phổ biến của các chung cư là khu bếp, ăn và vệ sinh thường gần nhau và về một phía (hình 2), nên những không gian còn lại tập trung quanh trung cung.

Tuy nhiên, trung cung của căn hộ không như trung cung của nhà vườn hay nhà phố, khả năng thông thoáng và chiếu sáng ít hơn nhiều. Bạn cần bố trí đèn chiếu sáng tốt hơn cho vùng trung cung và tránh ngăn chia nhiều để tận dụng ánh sáng thiên nhiên vào trung cung (hình 3). Bếp của căn hộ chung cư cần tạo vách ngăn hoặc ống hút để tránh lan mùi ra phòng khách và các không gian sinh hoạt. Một số căn hộ chung cư bố trí theo kiểu không gian mở, chỉ làm cố định khu vệ sinh và bàn bếp, các phòng còn lại để trống.

Nhưng thực ra, trong mỗi gia đình vẫn phải có những không gian riêng tư như phòng ngủ, nơi thay đồ, góc làm việc yên tĩnh (mang tính âm). Về mặt phong thủy, việc phân chia không gian tốt – xấu nên dựa trên yếu tố âm dương cân bằng, tránh biến căn hộ trở nên thuần âm quá (ngăn chia nhiều, phải bật đèn cả ban ngày). Nhưng gia chủ cũng không thể làm theo kiểu thuần dương quá (để trống hoàn toàn). Những căn hộ nằm về hướng bất lợi (nắng gắt, tầm nhìn xấu), gia chủ phải tự cân bằng thông qua hệ thống rèm, bình phong, dùng màu sắc và vật dụng để giảm bớt xung sát ngoại cảnh (hình 4).

Mở tủ ý tưởng

* Nhà tôi hiện có một phòng sinh hoạt (3,6 x 3,9m) nằm ở vị trí không thể mở cửa lấy sáng. Nhờ Mở tủ ý tưởng giúp tôi giải pháp trang trí sao cho bớt đi cảm giác tù túng và thiếu sáng.

(Xuân Anh – khu dân cư Đồng Diều, Q.8, TP.HCM)

– Trường hợp bạn nêu trong thư khá phổ biến với nhà ống hoặc căn hộ chung cư mà không gian sử dụng không có mặt tiếp xúc với bên ngoài. Giải pháp hữu hiệu là tạo nên “ảo giác” cho căn phòng bằng cách bố trí hệ thống đèn tranh ảnh và gương soi. Trong ảnh là một phòng sinh hoạt kích thước tương tự. Gia chủ đã gắn một tấm tranh kính trên trần và dùng đèn âm hắt ra ánh sáng khuếch tán dịu và làm không gian cao hơn. Tại các góc phòng có gắn tranh bằng kính (không viền khung tạo cảm giác nhẹ nhõm) và gương soi (làm nới rộng không gian ở khu vực tủ ti vi). Dù dùng gỗ nhiều ở cửa và sàn, nhưng căn phòng này vẫn không có cảm giác tối do khéo chọn bộ salon trẻ trung và các vật dụng hiện đại.

KTS Phương Lan – Hoài An

 Bài: KTS Hà Anh Tuấn – Ảnh: Nguyễn Hưng

Posted in PHONG THỦY | Leave a Comment »

‘Ngoại hình’ nhà ở theo phong thủy

Posted by thangmay.info on April 10, 2008

Nhà ở cần chỗ mát mẻ, có dương khí. Một “ngoại hình” đẹp cho khuôn viên nhà phải có núi cao ở hướng đông (thanh long), có đồi thấp ở hướng tây (bạch hổ), có khoảng đất rộng và trống ở hướng nam (hồng phượng) và có cây to ở hướng bắc (hắc quy).

Nhà hướng chính đông – tây thì tốt hơn nam – bắc.

Nhà ở được “nước” hướng vào là tốt, còn quay lưng lại là xấu. Ngoài ra, lý thuyết phong thủy cho rằng căn nhà có điểm tốt phải có hình thể phân minh rõ ràng theo tứ linh “Long, Phụng, Hổ, Quy”. Biểu tượng “Long” là tốt nhất và cũng là ưu tiên hàng đầu.

Nhà ở địa hình phía đông – tây dù không hoàn chỉnh (không có đủ các yếu tố thuận lợi) thì vẫn được coi là phù hợp. Trong khi đó, nếu ở phía bắc – nam, không hội đủ các yếu tố thuận lợi thì không nên kiến tạo nhà ở. Phía bắc nghiêng đông mà không hoàn chỉnh cũng không tốt, phía nam – bắc dài, phía đông – tây hẹp thì tốt còn ngược lại thì sẽ không tốt.

Nhà ở bốn phía nước chảy, đường sá giao nhau thì không thuận phong thủy. Nhà ở mà trước cửa không có ao hồ thì nên làm thêm ao hồ hình bán nguyệt. Thế nhưng, rất kỵ trường hợp có hai hay nhiều ao hồ. Cây to trước cửa nhà cũng không tốt, không chỉ trở ngại ánh sáng lọt vào mà còn cản trở âm khí thoát đi. Khi làm nhà cũng nên tránh cửa chính nhìn thẳng vào góc nhà khác, cũng nên tránh cửa chính nhìn đối diện lối vào. Nhà ở cạnh đình chùa, miếu, đền… đều không tốt vì “góc ao đao đình”. Đặc biệt tránh các góc cạnh của đình chùa, của những nhà lân cận, hay góc nhọn của ao vì “Sinh khí đi theo đường cong, sát khí đi theo đường thẳng”.

Ngoại cảnh có tác động trực tiếp đến ngôi nhà cũng như mỗi thành viên cư ngụ trong đó theo nguyên lý của thuật phong thủy. Nó có ảnh hưởng rất rõ đến môi trường khí hậu, những hiện tượng mưa gió, sấm sét… của thiên nhiên.

Qua đó, chúng ta có thể quân bình theo luật tự nhiên nhằm tránh những rủi ro giúp căn nhà của bạn hài hòa với thiên nhiên mà không mất đi tính hiện đại.

KTS Vũ Quang Định
VnKientruc

Posted in PHONG THỦY | Tagged: | Leave a Comment »

Vị trí của 4 phương trong phong thuỷ

Posted by thangmay.info on April 4, 2008

Từ xưa, người ta đã rất quan tâm đến sức mạnh của phương hướng. Nó gồm có 4 phương chính: phía Bắc (Gió lạnh) được ngự trị của nước (Thủy), phía Nam (Ánh nắng ấm áp) biểu tượng của lửa (Hỏa), phía Đông (Mặt trời mọc) biểu tượng của gỗ (Mộc), phía Tây (Mặt trời lặn) biểu tượng của kim loại (Kim). Trái đất (Thổ) chiếm giữ vị trí trung tâm được bao bọc bởi các phương hướng này…
Hướng Bắc

Hướng Bắc tượng trưng phần âm của các đồ vật và mạng (cốt) của nó là Thủy.

Sao Bắc Đẩu chính là tâm điểm, chiếm vị trí trung tâm và là ngôi vị đáng nể trên bầu trời đêm.

Trong thuật phong thủy, bất cứ loại cửa nào mở ra ở nhà hướng Bắc đều không được ưa chuộng. Sự băng giá, tuyết phủ vào mùa đông là những lý do để người ta không làm nhà về hướng này.

Với căn nhà xây hướng Bắc, người ta sẽ xây các bức tường vững chắc ở phía bên ngoài căn nhà để bảo vệ các hướng cửa đi vào một căn phòng hoặc phòng ngủ, đó là điều có thể chấp nhận được và các cánh cửa, cửa sổ đều hướng về phía Nam để đón nắng ấm của phương Nam và trung hòa cơn gió lạnh thổi từ phương Bắc đến.

Bởi ánh sáng của bầu trời đêm hướng Bắc tốt hơn, chúng ta nên hướng chúng vào một mái nhà dốc hoặc vào một góc. Những ai muốn tăng thêm cái nhìn ấm áp cho tường phía Bắc, bên trong căn nhà có thể trang trí thêm một bức tranh có màu đỏ cam hoặc màu sắc ấm áp khác, hay trang trí những thứ khác trên tường để trung hòa vị trí lạnh lẽo này.

Một lò sưởi sát tường nền hướng Bắc cũng rất tốt.

Hướng Nam

Theo phong thủy, hướng Nam tượng trưng cho dương lực, mùa hạ, sự ấm áp và phương Nam đầy nắng ấm, mạng của hướng này là Hỏa. Ở cả nội và ngoại phong thủy, hướng Nam là tốt nhất và lành nhất.

Theo truyền thuyết Trung Quốc, các đình chùa và các cấu trúc xây dựng quan trọng đều hướng mặt về phía Nam.

Hướng Đông
Hướng Đông biểu tượng của mùa Xuân, tượng trưng là Rồng (tiêu biểu cho phái nam), cốt của nó là Mộc, tương quan với lửa nhưng khắc với đất và kim loại.

Đối với nội phong thủy, một bức tường vững chắc hoặc một bình phong bao bọc cái bàn hay chiếc ghế đặt ở vị trí đặc biệt và được xem như là lực đẩy lùi những phần tử không tốt.

Với ngoại phong thủy, nếu có một ngọn núi hoặc đồi nhỏ uốn khúc ở đằng trước ngôi nhà là rất tốt và tốt hơn nữa nếu có thêm một dòng nước hay con mương chảy ở phía Đông để nuôi dưỡng khu đất này. Và thế đất ở phía Đông căn nhà cần phải hơi cao hơn thế đất phía Tây.

Một bức họa hay một tác phẩm điêu khắc hình con rồng được treo trên tường phía Đông trong nhà sẽ giúp cho gia chủ vượt qua những cảnh xấu như: cột khói, một vật lớn có những cạnh nhọn, một thân cây chết…

Hướng Tây

Đây là nơi ngự trị Bạch Hổ (cọp), với cốt là Kim.

Hướng này tượng trưng cho mùa Thu và tương quan với nước, nhưng khắc với gỗ và lửa. Nước tượng trưng cho âm và vì thế màu mỡ, thịnh vượng, giàu có và phát triển.

Các vật có liên hệ với nước như: sông, hồ, ao, nước bể nuôi cá, cây mọc dưới nước, bình cắm hoa có nước… đều có lợi cho hướng Tây.

Trong phong thủy thực hành hiện đại, nước được đặt ở phía Tây của căn phòng mang ý nghĩa có tiền bạc và giàu có. Hướng này tượng trưng cho sự dồi dào, tình thương và mơ mộng, vì rằng nước nuôi dưỡng những sự kiện và các mối quan hệ. Vì thế, bức tường phía Tây, hoặc một góc phòng phía Tây Bắc của một phòng ngủ, là vị trí rất thích hợp để bài trí những vật có liên quan đến nước.

Ở các đền chùa, nhà thờ, các bàn thờ, điện thờ, người ta cũng thường bố trí hướng mặt về phía Tây (phương Tây cực lạc).

(Theo Vanhoaphuongdong.com)

Posted in PHONG THỦY | Leave a Comment »

Mệnh và hành vi của gia chủ

Posted by thangmay.info on March 26, 2008

Cung mệnh đôi khi cũng ảnh hưởng tới thái độ, hành vi, lối cư xử của gia chủ trong quá trình xây nhà. Đây cũng là một sự tham khảo giúp người thiết kế – xây dựng và cả gia chủ hành xử tốt với nhau.
 
Gia chủ và KTS cần đạt được sự đồng thuận.
Kim là chủ về tiền bạc, là sắt thép cứng rắn, thiên về vật chất và tư duy phân tích rạch ròi. Các gia chủ hành Kim xây nhà thường có kinh phí dồi dào, họ lại đi đây đi đó nhiều (các gia chủ trẻ) nên có phong thái làm việc rạch ròi, hợp đồng chặt chẽ nhưng đôi khi lạnh lùng. Làm việc với gia chủ hành Kim đòi hỏi người thiết kế cũng phải năng động và có cá tính hợp gu, cùng mở laptop xem phương án, cùng tìm trên mạng mẫu thiết kế hiện đại. Gia chủ hành Kim quyết định khá nhanh và không ngại tốn kém, cho nên nếu bản vẽ thiết kế theo hướng tiết kiệm quá có thể sẽ không được họ ủng hộ bằng bản vẽ thể hiện cái tôi mạnh mẽ.
Gia chủ hành Thủy thường mềm mại uyển chuyển. Quá trình làm việc với gia chủ kiểu hành Thủy khá nhẹ nhàng, đôi lúc họ “im thin thít và lặn mất tăm” hay mang thiết kế về “ngâm cứu” khá lâu khiến KTS chờ dài cổ, không hiểu gia chủ muốn gì, khiến KTS nghĩ rằng họ quá bận rộn hoặc chưa thực sự tâm huyết với việc làm nhà. Cũng vì Kim sinh Thủy, họ có nhiều dự án đầu tư quá (chứng khoán, đất đai) nên xem việc làm nhà chỉ rất nhỏ. Chính vì thế, kiến trúc sư hay bị mất hứng với dạng này. Thấy dễ dãi mà không hẳn vậy, vì họ luôn thay đổi ở phút… 89. Có khi nhà xây xong rồi mà KTS không nhận ra công trình của mình vì gia chủ đã âm thầm yêu cầu thợ sửa lại.
Bản thân chữ Mộc đã nói lên sự mộc mạc mà cũng rất nhập nhằng của gia chủ thuộc hành này. Nhu cầu của họ thường đơn giản, nhiều khi đến mức sơ sài, nhà làm miễn sao đủ “ăn chắc mặc bền” và một thẩm mỹ chung chung. Gia chủ hành Mộc cũng như một thân cây vươn lên bị môi trường xung quanh tác động. Họ có thể “luôn luôn lắng nghe nhưng ít khi thấu hiểu” thành ra có lúc ý kiến nhà chuyên môn lại không bằng… hàng xóm. Làm việc với gia chủ Mộc lúc mới gặp có thể thấy chân phương, giản dị, nhưng cũng rất dễ bị… mất lửa và luôn cần người thiết kế phải biết “uốn nắn” sao cho trong quá trình xây nhà, hai bên không bị bất đồng quan điểm.

Gia chủ mệnh Hỏa tất nhiên luôn nóng như lửa, chuyện nhỏ hay lớn gì cũng “lên ruột”, muốn làm cái này, cái kia thật nhanh. Đi đâu thấy cái gì hay hay có khi họ lại nằng nặc đòi đưa vào nhà mình. Mặt tốt của gia chủ kiểu Hỏa là lôi cuốn người thiết kế cùng làm việc với mình, thúc tiền độ xây dựng gấp gáp. Nhưng “bốc hỏa” nhanh thì “hạ hỏa” cũng nhanh, sáng nắng chiều mưa là chuyện cơm bữa. Trong ngũ hành thì gia chủ Hỏa dễ gây mất lòng nhất (ngược với Thủy) bởi cái tính hùng hục. Và như vậy, người thiết kế, thi công lại càng cần điềm tĩnh để mối quan hệ không đổ vỡ.

Cuối cùng là gia chủ Thổ. Đây là những người thuộc dạng trung hòa nhất, biết mình muốn gì và muốn KTS làm gì. Họ luôn đứng ở khoảng giữa, khôn ngoan và điềm tĩnh. Đây là những gia chủ độ tuổi trung niên, thường có ít nhiều kinh nghiệm xây nhà từ trước nên biết cách điều tiết các bên làm việc một cách vừa phải, công bằng. Thổ sinh Kim nên những tính toán của họ thường rất hiệu quả khiến nhà thiết kế phải nhiều bản lĩnh mới thuyết phục được. Nếu nhà chuyên môn không chứng tỏ được năng lực và tính chuyên nghiệp của mình thì coi chừng gia chủ thổ sẽ nhẹ nhàng mời họ rút lui.
Ngoài ra, vẫn có dạng gia chủ kết hợp nhiều hành, hoặc lúc phần thô thuộc Hỏa (nôn nóng, sốt ruột) nhưng sang phần hoàn thiện lại thuộc Thủy (buông xuôi, dễ dãi). Hoặc có gia chủ trẻ tuổi rất phóng khoáng, hiện đại (Kim) nhưng làm nhà nửa chừng thì các phụ huynh hoặc bà xã kiểu Mộc xuất hiện. Xung khắc bắt đầu diễn ra và kết quả thường là kính lão đắc thọ, kính vợ bình yên.
Nguồn: Nhà Đẹp

Posted in PHONG THỦY | Tagged: | Leave a Comment »

Màu sắc trong phong thuỷ

Posted by thangmay.info on November 18, 2007

Việc lựa chọn màu sắc phù hợp với sở thích, tính cách của bản thân cũng chính là màu sắc phù hợp với nguyên lý Ngũ Hành tương sinh, tương khắc. Đã có từ rất lâu đời và không thể tách rời với con người phương Đông chúng ta đó là Ngũ Hành trong phong thuỷ.

Màu sắc trong phong thuỷ chủ yếu hướng đến việc cân bằng năng lượng Âm và Dương để đạt đến sự hài hoà lý tưởng. Âm là sắc tối yên tĩnh hấp thu màu và Dương là sắc sáng chuyển động phản ánh màu. Do vậy, màu sắc được vận dụng để tăng cường những yếu tố thuận lợi và hạn chế những điều bất lợi từ môi trường tác động vào ngôi nhà.

Theo nguyên lý Ngũ Hành, môi trường gồm 5 yếu tố: Kim (kim loại), Mộc (cây cỏ), Thuỷ (nước), Hoả (lửa), Thổ (đất) và mỗi yếu tố đều có những màu sắc đặc trưng. Màu Kim gồm màu sáng và những sắc ánh kim; Màu Mộc có màu xanh, màu lục; Màu Thuỷ gồm màu xanh biển sẫm, màu đen; Màu hoả có màu đỏ, màu tím; Màu Thổ gồm màu nâu, vàng, cam.
 

Tính tương sinh của Ngũ Hành: Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thuỷ, Thuỷ sinh Mộc. Tính tương khắc của Ngũ Hành: Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thuỷ, Thuỷ khắc Hoả, Hoả khắc Kim. Tương sinh, tương khắc hài hoà, hợp lý sẽ mang lại sự cân bằng trong phong thuỷ cũng như trong cảm nhận thông thường của chúng ta theo thuật phong thuỷ.

Việc lựa chọn màu theo sở thích hay chọn màu theo nguyên lý ngũ hành trong phong thuỷ là hai phương pháp khác nhau nhưng cùng chung một kết quả. Chúng tôi sẽ đưa ra một số ví dụ giúp bạn hiểu và hình dung thêm về màu sắc trong ngũ hành của thuật phong thuỷ được áp dụng trong kiến trúc.

Gia chủ mệnh Kim nên sử dụng tông màu sáng và những sắc ánh kim vì màu trắng là màu sở hữu của bản mệnh, ngoài ra kết hợp với các tông màu nâu, màu vàng vì đây là những màu sắc sinh vượng (Hoàng Thổ sinh Kim). Những màu này luôn đem lại niềm vui, sự may mắn cho gia chủ. Tuy nhiên gia chủ phải tránh những màu sắc kiêng kỵ như màu hồng, màu đỏ, màu tím (Hồng Hoả khắc Kim).

Cũng tương tự như vậy, gia chủ mệnh Thuỷ nên sử dụng tông màu đeni, màu xanh biển sẫm, ngoài ra kết hợp với các tông màu trắng và những sắc ánh kim (Màu trắng bạch kim sinh Thuỷ). Gia chủ nên tránh dùng những màu sắc kiêng kỵ như màu vàng đất, màu nâu (Hoàng thổ khắc Thuỷ).
 

Gia chủ mệnh Mộc nên sử dụng tông màu xanh ngoài ra kết hợp với tông màu đen, màu xanh biển sẫm (nước đen sinh Mộc). Gia chủ nên tránh dùng những tông màu trắng và sắc ánh kim (Màu trắng bạch kim khắc Mộc).
 

Gia chủ mệnh Hoả nên sử dụng tông màu đỏ,màu hồng, màu tím ngoài ra kết hợp với các màu xanh (Thanh mộc sinh Hoả). Gia chủ nên tránh dùng những tông màu đen, màu xanh biển sẫm (nước đen khắc Hoả)
 

Gia chủ mệnh Thổ nên sử dụng tông màu vàng đất, màu nâu, ngoài ra có thể kết hợp với màu hồng, màu đỏ, màu tím (Hồng hoả sinh Thổ). Màu xanh là màu sắc kiêng kỵ mà gia chủ nên tránh dùng (Thanh mộc khắc Thổ).

Nắm được các quy luật trên kết hợp cùng kiến trúc sư, bạn sẽ có được đúng màu sắc hợp với ngũ hành của mình.

Theo camnangkientruc.com

Posted in PHONG THỦY | Tagged: | Leave a Comment »